Đăng nhập

Tên đăng nhập
Mật khẩu

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 13
Hôm nay 241
Tháng này 6198

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG THCS KIM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2015 - 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025.

PHÒNG GDĐT HỘI AN

TRƯỜNG THCS KIM ĐỒNG

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG THCS KIM ĐỒNG

GIAI ĐOẠN 2015 - 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025.

 

PHẦN I. MỞ ĐẦU

            Trường THCS Kim Đồng nằm trên địa bàn Phường Sơn Phong, là nội đô trung tâm của Thành phố Hội An (01-Trần Hưng Đạo) cách Phố cổ khoảng 400m . Phường có diện tích 74,38 ha, có 4.500 nhân khẩu chưa tính tăng cao biến động do biến đổi cơ học. Kinh tế của Phường chủ yếu là tiểu thủ công mỹ nghệ; dịch vụ và du lịch, dân cư có mức thu nhập bình quân tương đối khá.

Trường trung học cơ sở (THCS) Kim Đồng là ngôi trường được hình thành khá sớm của thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An). Nguyên trước năm 1975 là trường Cộng đồng Nam Tiểu học. Từ năm 1975 được tiếp nhận trở thành trường Phổ thông Cấp 1, 2 Kim Đồng; Trường Phổ thông cơ sở Kim Đồng và từ năm 1989 là trường THCS Kim Đồng. Trải qua 44 năm xây dựng và phát triển, trường THCS Kim Đồng đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương và đất nước. Nhà trường đang từng bước khẳng định sự trưởng thành vững chắc và là địa chỉ tin cậy của cha, mẹ học sinh và toàn thể nhân dân trên địa bàn Thành phố Hội An. Trong xu thế hội nhập nền kinh tế quốc tế và sự phát triển như vũ bão của CNTT, của nền kinh tế xã hội nước nhà…đòi hỏi cần có con người Việt Nam sáng tạo năng động, có kỹ năng sống, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Với tinh thần đó, Trường THCS Kim Đồng xây dựng “Chiến lược phát triển giáo dục Trường THCS Kim Đồng giai đoạn 2015 đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”.

Chiến lược phát triển giáo dục trường THCS Kim Đồng giai đoạn 2015 đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”nhằm xác định rõ định hướng, mục tiêu chiến lược và các giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động và phát triển, là cơ sở quan trọng cho các quyết sách của Hội đồng trường và hoạt động của Hiệu trưởng cũng như toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh nhà trường. Xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược của Trường THCS Kim Đồng là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về đổi mới giáo dục phổ thông. Cùng góp phần đưa sự nghiệp giáo dục xã nhà phát triển theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, hội nhập với các nước khu vực và thế giới.

PHẦN II. NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH CỦA CHIẾN LƯỢC

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH:

1.1. Về đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh:

- Ban Giám hiệu: 03 đ/c, 02 đ/c có bằng đại học, 03 đ/c đã qua lớp quản lý giáo dục
- Giáo viên 65 đ/c, trong đó trình độ Đại học: 50  Cao đẳng: 19 ; giáo viên nữ có 49 đ/c; hiện có 02 giáo viên là Thạc sĩ.

- Nhân viên: 3/4 nữ , trong đó  trình độ Đại học: 2 đ/c; Cao đẳng 1 đ/c

- Trường có 01 chi bộ độc lập gồm 23 đảng viên, trong đó đảng viên nữ có 17 đ/c

- Tổng số học sinh: 1340 học sinh được chia thành 31 lớp. Trong đó có 653 em là học sinh nữ; 35 học sinh con hộ nghèo, cận nghèo

1.2. Môi trường bên trong:

1.2.1. Mặt mạnh:

- Công tác quản lí của Ban giám hiệu nhà trường đều có kế hoạch thực hiện của từng thành viên cho năm, tháng, tuần. Được triển khai, tổ chức thực hiện, đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời theo từng giai đoạn. Nhà trường thực hiện tốt quy chế dân chủ, tính minh bạch được thể hiện rõ ràng qua từng hoạt động;

- Tập thể nhiệt tình, nhiều giáo viên tận tuỵ với công việc, nhiều giáo viên có tay nghề giỏi, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt; toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên đều áp dụng được CNTT trong công tác, nhà trường đã có 1 trang Website riêng.

- Phẩm chất đạo đức của học sinh ngoan, cần cù, chịu khó, tích cực trong học tập, lao động, ham thích hoạt động ngoại khóa, rất nhiều em là học sinh giỏi các cấp;

- Cơ sở vật chất ngày càng được củng cố, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cho công tác dạy và học, đặc biệt tất cả các lớp học được trang bị màn hình lớn, phủ sóng wifi internet để áp dụng công nghệ thông tin vào các tiết học…Nhà trường đã đạt Trường chuẩn Quốc gia 2002 và đạt kiểm định chất lượng mức độ 3 năm 2012, đạt chuẩn Xanh - Sạch - Đẹp -   An toàn.

1.2.2. Mặt yếu:

- Công tác đánh giá giáo viên đôi khi còn mang tính cả nể; phong trào thi đua đôi lúc mang tính động viên tinh thần và khích lệ là chủ yếu;

- Chất lượng học sinh: Một bộ phận học sinh còn lười học, có em có tư tưởng bỏ học.

1.3. Môi trường bên ngoài:

1.3.1. Cơ hội:

- Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, chi bộ và của chính quyền địa phương cùng sự hỗ trợ của các ban ngành đoàn thể;

- Được sự quan tâm chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo; UBND Thành phố Hội An, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam;

- Đời sống nhân dân trên địa bàn Phường Sơn Phong ngày càng được cải thiện, một số gia đình có thu nhập cao, ý thức trách nhiệm của nhân dân đối với con em ngày càng được nâng cao.

1.3.2. Thách thức:

- Một bộ phận nhân dân còn ỷ lại, trông chờ vào nhà trường, phó thác con em cho nhà trường,một số thờ ơ với việc giáo dục con em, một số bất lực trong giáo dục con cái…

- Đời sống của một bộ phận học sinh vẫn còn nghèo, thu nhập thấp.Con em ở Trung tâm mồ côi gởi về Trường đông.

1.4. Các vấn đề chiến lược:

1.4.1. Danh mục các vấn đề chiến lược:

a) Tập trung cải tiến phương pháp dạy học.

b) Tập trung rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.

c) Xây dựng đội ngũ: làm việc chuyên nghiệp, có năng lực sư phạm, có lương tâm nghề nghiệp, có phẩm chất đạo đức, có ý thức tự giác phấn đấu, có tinh thần vượt khó, chủ động, sáng tạo trong công việc.

d) Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục lễ giáo cho học sinh; Xây dựng trường học thân thiện, văn minh, học sinh tích cực.

1.4.2. Các nguyên nhân của vấn đề:

a) Cải tiến phương pháp dạy học đã và đang thực hiện nhưng đôi khi vẫn chỉ là “Khẩu hiệu” do các nguyên nhân cơ bản sau:

- Chương trình quá tải, nặng về kiến thức, thiếu tính thực tiễn;

- Trình độ, tay nghề của giáo viên chưa đồng đều.

b) Đối với rèn kỹ năng sống:

- Nhà trường chưa có kế hoạch riêng, tài liệu về chỉ đạo công tác rèn kỹ năng sống, cách thức thực hiện chương trình giảng dạy, người thực hiện chưa được xác định cụ thể và chưa rõ ràng về các nội dung, phương pháp, yêu cầu cụ thể…

- Một số ít giáo viên, nhân viên vẫn còn yếu về các kỹ năng sống như: tác phong làm việc, kỹ năng tổ chức, kỹ năng thực hành, kỹ năng xử lý tình huống và một số kỹ năng cơ bản khác;

c) Xây dựng đội ngũ làm việc chuyên nghiệp, có năng lực sư phạm, có lương tâm nghề nghiệp, có phẩm chất đạo đức, có ý thức tự giác phấn đấu, có tinh thần vượt khó, chủ động, sáng tạo trong công việc:

- Một số ít giáo viên chưa chịu khó nghiên cứu để có giải pháp giáo dục, giảng dạy cho học sinh, chưa nghiên cứu kỹ chuyên môn nghiệp vụ có liên quan, chưa hiểu sâu sắc tình hình kinh tế-xã hội của đất nước và của địa phương.

1.5. Các vấn đề cần ưu tiên giải quyết:

a) Đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy;

b) Tăng cường giáo dục kỹ năng sống;

c) Xây dựng đội ngũ;

d) Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục lễ giáo cho học sinh; Xây dựng trường học thân thiện, văn minh, học sinh tích cực.

II. ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC:

2.1. Sứ mệnh: Giáo dục cho các thế hệ học sinh biết vượt qua mọi khó khăn, phát triển hết khả năng để trở thành người công dân có ích phụng sự cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa.

2.2. Các giá trị cốt lõi:

- Biết vượt mọi khó khăn trong học tập và cuộc sống, có tinh thần đoàn kết, trung thực.

- Kiên trì và nhẫn nại;

- Có ứng xử tốt trong mọi tình huống, có tính sáng tạo, tinh thần trách nhiệm cao.
- Có lập trường vững vàng trước mọi thay đổi của tình hình trong và ngoài nước;

- Khỏe mạnh cả thể chất, tinh thần và trí tuệ;

- Biết làm đẹp cho mình và cho người khác, có tình nhân ái, có tính tương trợ và sự hợp tác.

2.3. Tầm nhìn: Là một trường học đi đầu vượt qua mọi khó khăn, một trường học biết vượt lên chính mình để nâng thêm tầm cao mới, là địa chỉ tin cậy về giáo dục đạo đức và học tập để các bậc phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em mình vào học tập,tiếp tục xây dựng nhà trường Anh hùng trong thời kỳ đổi mới, là niềm tin của Ngành GDDT Thành phố Hội An.

III. MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC:

3.1. Mục tiêu chung:

     Trong mọi hoàn cảnh khó khăn vẫn phải tạo dựng được môi trường học tập có nề nếp, kỷ cương; có chất lượng giáo dục để mỗi học sinh đều có cơ hội được học tập, rèn luyện và phát triển hết khả năng. Tích cực xây dựng gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc kết hợp với nét đẹp hiện đại phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và của thời đại.

3.2. Chỉ tiêu:

3.2.1. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên:

a) Năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, giáo viên và công nhân viên được đánh giá khá, giỏi trên 80%.

b) 100% cán bộ, giáo viên, công nhân viên sử dụng thành thạo máy vi tính: Microsoft Office Word; Excel, PowerPoint, 100% có hộp thư điện tử và sử dụng thư điện tử để giao dịch. Tiếp tục duy trì trang website chính thức tại địa chỉ: http://thcskimdong.edu.vn

c) 85% trở lên số cán bộ, giáo viên, công nhân viên có trình độ đại học.

d) Phấn đấu trên 50% cán bộ, giáo viên, công nhân viên là đảng viên.
e) 100% cán bộ, giáo viên, công nhân viên không vi phạm pháp luật, Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

g) Phấn đấu nhà trường luôn duy trì là Tập thể xuất sắc, dẫn đầu Bậc THCS toàn Thành phố,lá cờ đầu Bậc THCS cấp Tỉnh..

3.2.2. Học sinh:

a) Qui mô:

+ Lớp học: Từ 30 lớp trở lên

+ Học sinh: khoảng 1340 học sinh.

b) Chất lượng học tập:

+ Trên 75% học lực khá, giỏi (trên 45% học lực giỏi)

+ Tỷ lệ học sinh có học lực yếu dưới 3% không có học sinh kém. Lên lớp sau khi thi lại: 99%.

+ Thi học sinh giỏi Cấp TP  dẫn đầu qua các năm học.

c) Chất lượng đạo đức, kỹ năng sống :

+ Chất lượng đạo đức: 98% trở lên hạnh kiểm khá, tốt.

+ Học sinh được trang bị các kỹ năng sống cơ bản, tích cực tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện.

+ 100% học sinh biết vượt mọi khó khăn để đến trường; 70% trở lên số học sinh có kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống.

+ Mỗi năm phát động quyên góp từ 40 đến 55 triệu đồng (bằng tiền mặt và hiện vật quy đổi thành tiền) ủng hộ các bạn học sinh gặp khó khăn.

3.2.3. Cơ sở vật chất :

- Tăng cường mua sắm thêm tài sản, thiết bị phục vụ cho văn phòng và phục vụ giảng dạy (Tủ, bàn ghế, ti vi, máy tính, thiết bị dạy học, …).

- Tham mưu với các cấp quản lý giáo dục để xây dựng thêm phòng học, phòng làm việc và khu sân chơi, bãi tập, sân đa năng… .

- Duy trì, tích cực xây dựng môi trường lành mạnh, cảnh quan nhà trường “Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn”, triển khai mặc đồng phục trong học sinh.

- Xây dựng logo biểu tượng truyền thống giáo dục, văn hóa, tinh thần của nhà trường.

3.3. Khẩu hiệu và phương châm hành động:

- Khẩu hiệu: “Trường THCS Kim Đồng - niềm tin của mọi thế hệ học sinh”.

- Phương châm hành động: Dạy thực chất, học thực chất, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục bền vững, các phong trào hoạt động tích cực hiệu quả cùng với sự hòa nhập chăm ngoan của học sinh là bộ mặt của nhà trường.

IV. CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

4.1. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục học sinh:

     Trước hết phải xác định: Chất lượng dạy - học và hiệu quả giáo dục là thước đo năng lực, phẩm chất, trí tuệ, tính trung thực, cái tâm và tài của người thầy. Mọi hoạt động, mọi việc làm của nhà giáo đều phải hướng đến đích là người học. 

a) Dạy và học: Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng giáo dục đạo đức và chất lượng văn hoá. Cải tiến phương pháp dạy học và đánh giá học sinh phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình chuẩn kiến thức, kỹ năng và phù hợp với mọi đối tượng học sinh. Đổi mới các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể, gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn; tăng cường sử dụng thiết bị dạy học có hiệu quả, hướng dẫn học sinh tự làm thí nghiệm

Đảm bảo chắc chắn, mỗi kế hoach dạy học, mỗi tiết dạy, mỗi hoạt động tập thể đều lấy học sinh làm trung tâm, lấy học sinh để thiết kế các hoạt động. Mỗi giáo viên đều phải đổi mới phương pháp dạy học, sớm khắc phục tình trạng chay, tổ chức nhiều hình thức học tập như học ngoài trời, ngoại khóa,…Xây dựng các đôi bạn học tập với quan điểm “học thầy không tày học bạn”…Tăng cường dạy học hợp tác theo nhóm nhỏ và có sự luân chuyển nhóm trưởng để học sinh tập làm quen với công việc lãnh đạo. Cải tiến khâu hướng dẫn học ở nhà…

- Đảm bảo các tiết học giáo viên chỉ hướng dẫn học sinh để học sinh tự tìm tòi, khám phá kiến thức mới.

b) Giáo dục ngoài giờ lên lớp:

- Cần đổi mới, cải tiến mạnh mẽ các tiết học ngoài giờ lên lớp, tạo không gian học tập ngoài lớp học,giáo dục kỹ năng sống,giá trị sống cho HS…

- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ngoài giờ lên lớp, thường xuyên và định kỳ nhà trường tổ chức hội khỏe Phù Đổng, thi văn nghệ… ngoài ra còn tổ chức các hoạt động khác như thi tìm hiểu, đố vui, thi các trò chơi dân gian, thi ý tưởng sáng tạo… tùy thuộc vào nhiệm vụ năm học. Tất cả các hoạt động ngoài giờ lên lớp đều phải lồng ghép với sinh hoạt tư tưởng, giáo dục truyền thống nhằm hướng tới xây dựng học sinh có “tinh thần khỏe mạnh”.

Người phụ trách:

- Lãnh đạo chung: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng.

- Người thực hiện: Các tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách, ban chỉ đạo HĐGD ngoài giờ lên lớp thực hiện, TPT Đội, học sinh.

4.2. Xây dựng và phát triển đội ngũ.

     Trước hết phải xác định: Xây dựng đội ngũ là nhiệm vụ của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên chứ không chỉ là nhiệm vụ của Hiệu trưởng, nó có vị trí hết sức quan trọng, là một trong những yếu tố thành bại của việc thực hiện “Chiến lược phát triển Trường THCS Kim Đồng giai đoạn 2015 đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”.

a) Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng; có phẩm chất chính trị; có năng lực chuyên môn khá, giỏi ; Biết sử dụng thành thạo máy vi tính:  100% có hộp thư điện tử và sử dụng thư điện tử để giao dịch, có phong cách sư phạm mẫu mực. Đoàn kết, tâm huyết, gắn bó với nhà trường, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ….Có tinh thần đồng đội, cầu tiến, có tình thân ái, biết vượt qua mọi khó khăn thử thách để vươn lên, tương trợ, biết sẻ chia, nhường nhịn, có tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình, biết nhận lỗi và sửa sai khi phạm lỗi, phê và tự phê bình phải dựa trên lợi ích chung, không đem ý kiến cá nhân vào đánh giá - góp ý. Đặc biệt tránh mọi biểu hiện quan liêu, cửa quyền, hách dịch, giải quyết có tình có lý… Sống phải có tâm có đức và có động cơ tốt vì sự nghiệp chung của nhà trường. Phấn đấu 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên đến trường đều cảm thấy “trường là tổ ấm, là ngôi nhà thứ hai của mình”.

b) Tăng cường giáo dục pháp luật và giáo dục kỹ năng giao tiếp, nói năng thông qua việc chỉ định trả lời một số nội dung cơ bản, gần gũi trong các luật, điều lệ, thông tư… của Bộ GD-ĐT hoặc các văn bản của nhà trường, của BỘ GD, để giáo dục nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tổ chức xen kẽ các buổi họp hội đồng, sinh hoạt tổ chuyên môn trao đổi về những tình huống ứng xử sư phạm và ứng xử trong cuộc sống nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm… hướng tới mọi cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đều có đủ nhân cách, có uy tín trong học sinh và cộng đồng. Phấn đấu 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên không vi phạm pháp luật. Góp phần xây dựng một trường học thân thiện, dân chủ trong khuôn khổ của pháp luật…

Cương quyết chống lại các biểu hiện gây mất đoàn kết nội bộ, biểu hiện bè phái, cục bộ, tung tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và uy tín của nhà trường. Xây dựng phong cách làm việc công nghiệp trong từng hoạt động và trong mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên, trước hết là trong hội họp, sinh hoạt và làm việc

c) Tăng cường chăm lo tới đời sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên theo đúng chế độ chính sách hiện hành, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để có tiền tăng thu nhập ở cuối năm ngân sách. Thực hiện tốt chế độ làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên, phát huy tối đa năng lực sở trường của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên không phân biệt bằng cấp, hợp đồng hay biên chế.

d) Tăng cường chỉ đạo đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên để nâng cao hiểu biết xã hội, mở rộng kiến thức, hiểu biết pháp luật, cập nhật thông tin của đất nước, thế giới nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức, tác phong để giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên tránh sa ngã trước mọi cám dỗ, góp phần đưa nhà trường tiến lên.

Người phụ trách:

- Lãnh đạo chung: Hiệu trưởng, Chủ tịch công đoàn.

- Người thực hiện: Phó hiệu trưởng, các tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách, các đoàn thể, các ban bộ phận, thanh tra nhân dân, (phối hợp và chia sẻ trách nhiệm)

4.3. Giúp cho học sinh có được những kỹ năng sống cơ bản:

       Xác định ý nghĩa: Học sinh có kỹ năng sống sẽ giúp cho các em biết hòa nhập, hạn chế tối đa các tệ nạn xã hội và có bản lĩnh trong cuộc sống dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

- Tổ chức biên soạn, trao đổi các tài liệu về: kỹ năng làm chủ cuộc sống; kỹ năng phòng chống các tệ nạn xã hội; kỹ năng phòng chống nghiện hút các chất ma túy; kỹ năng làm chủ trong học tập: Tự giác, tích cực, tự lực, chủ động sáng tạo trong học tập; kỹ năng giao tiếp và hội nhập; kỹ năng định hướng nghề nghiệp (hướng học và hướng nghề) sau khi tốt nghiệp THCS, xây dựng các bộ câu hỏi và trả lời về tình huống và các nội dung cần học tập. Tăng cường giáo dục giới tính và giáo dục bảo vệ môi trường…

- Xây dựng kế hoạch giáo dục kỹ năng sống với các phương án phù hợp và linh động như: dạy lồng ghép, dạy trong tiết học, ngoài giờ lên lớp, trong tiết sinh hoạt lớp, trong tiết chào cờ, tiết sinh hoạt đội… Có biện pháp kiểm tra, giám sát cả hoạt động dạy của thầy và học của trò.

- Tổ chức các hoạt động dã ngoại để tham quan và học tập, tạo tình huống có vấn đề để học sinh giải quyết (giáo viên là người quan sát, theo dõi và rút ra định hướng cho học sinh…), kích thích sáng tạo qua các hoạt động trong nhà trường

- Phát động các cuộc quyên góp ủng hộ và phong trào tương thân tương ái trong giáo viên và học sinh.

Người phụ trách:

- Lãnh đạo chung: Hiệu trưởng, Chủ tịch công đoàn, Tổng phụ trách.

- Người thực hiện: Phó Hiệu trưởng, các tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách thực hiện, y tế-chữ thập đỏ, ban quản sinh, ban tư vấn, ban công tác học sinh, đoàn thanh niên và công đoàn.

4.4. Cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục.

      Xác định ý nghĩa: Cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật là một trong những yếu tố quan trọng trong việc cải tiến phương pháp và nâng cao chất lượng dạy – học, chất lượng giáo dục…

a) Từng bước tham mưu với địa phương xây dựng phòng học, phòng làm việc, nhà đa năng... Tiếp tục mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ khác, từng bước đưa các phương tiện hiện đại vào giảng dạy, xây dựng sân chơi bãi tập... Tiếp tục xây dựng và duy trì tủ sách dùng chung, tủ sách chuyên đề, tủ sách pháp luật, phát động phong trào ủng hộ sách, tài liệu giáo dục trong giáo viên và học sinh.

b) Có kế hoạch bảo quản, tu sửa kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng mất mát, hư hỏng, thất thoát các loại tài sản, bên cạnh đó chống lãng phí trong quản lý và sử dụng tài sản công và chống cung cách quản lý và làm việc kiểu “cha chung không ai khóc”. Quy trách nhiệm cho từng cá nhân phụ trách . Tài sản dù hết hạn sử dụng (theo quy định của pháp luật) nhưng xét thấy vẫn sử dụng được, Hiệu trưởng vẫn quyết định cho sử dụng. Tuyệt đối tránh biểu hiện lãng phí, đòi hỏi ở một số bộ phận cán bộ, giáo viên, nhân viên…

Người phụ trách:

- Lãnh đạo chung: Hiệu trưởng, bộ phận tài vụ.

- Thực hiện: Bộ phận tài vụ, ban cơ sở vật chất, bảo vệ, bộ phận thư viện - thiết bị, giáo viên chủ nhiệm các lớp.

4.5. Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin:

     Xác định ý nghĩa: Trong thời đại ngày nay, ước tính cứ hai, ba năm tri thức nhân loại tăng lên gấp đôi, do đó nhà trường không thể nhồi nhét kiến thức cho học sinh mà chủ yếu hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự tìm hiểu, tự nghiên cứu… Vì vậy không thể thiếu ứng dụng CNTT trong trường học ngày nay.

a) Kết nối Internet cho tất cả các máy tính hiện có, đảm bảo có 1 máy chủ để tiện quản lý, tổ chức cho giáo viên lên mạng tìm tài liệu; Triển khai rộng rãi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy. Tiếp tục duy trì trang website chính thức, sử dụng có hiệu quả trang web của nhà trường.

b) Xây dựng quy chế quản lý hộp thư điện tử và sử dụng Internet, tăng cường chỉ đạo, trao đổi thông tin qua mạng nhằm giảm bớt hội họp và kinh phí in ấn…Các thông tin, bài viết, tài liệu đã được đăng tải trên website chính thức của trường hoặc gửi qua email sẽ được coi là tài liệu chính thức, các văn bản này sẽ không ban hành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ở trường, dần tiến tới liên hệ với phụ huynh qua điện thoại, qua email khi có điều kiện.

d) Tiến tới hướng dẫn sử dụng các phần mềm mã nguồn mở, cài đặt ở tất cả các máy  nhằm tránh tình trạng vi phạm bản quyền và tăng độ tương thích khi sử dụng. 

e) Tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ, an ninh mạng, sử dụng phần mềm diệt virut bản quyền cho các máy tính quản lý dữ liệu.

g) Nhanh chóng đưa vào sử dụng phần mềm V-EMIC, gồm các phân hệ: Quản lý tài sản, quản lý tài chính, quản lý học sinh (kể cả sổ điểm), quản lý chuyên môn (kể cả xếp thời khóa biểu), quản lý công chức, quản lý thư viện, quản lý thiết bị. Tập huấn và phân quyền truy cập phần mềm cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Người phụ trách:

- Lãnh đạo chung: Hiệu trưởng, giáo viên chuyên Tin học.

- Thực hiện: Phó hiệu trưởng, bộ phận CNTT, bộ phận tài vụ, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, tổ chuyên môn, tổ văn phòng

4.6. Công tác lãnh đạo, quản lý và tổ chức cán bộ:

      Xác định vai trò: Chỉ thị 40/CT-TW của Ban bí thư Trung ương Đảng về “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” được coi là khâu then chốt quyết định đến sự thành công hay không thành công của một trường học, vì vậy đòi hỏi cần có các yếu tố sau:

a) Phẩm chất đạo đức, tác phong của CBQL:

     Cán bộ quản lý (từ tổ trưởng chuyên môn trở lên, trưởng các bộ phận, các ban, các đoàn thể) phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có lập trường tư tưởng vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động. Yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, chấp hành nghiêm túc các chủ trương của Đảng, của chi bộ, pháp luật của nhà nước, quy định của ngành và của trường, có tầm nhìn rộng, có tâm-đức - tài; giỏi về chuyên môn và nghiệp vụ; Có biện pháp chỉ đạo, lãnh đạo xây dựng đội ngũ, thu hút người tài, sử dụng đội ngũ có hiệu quả…có tác phong làm việc công nghiệp và khoa học, biết đón đầu trong mọi công việc. CBQL phải là người không vụ lợi, không vì lợi ích cá nhân mà sao nhãng, coi nhẹ lợi ích tập thể.

b) Xây dựng hệ thống các quy định:

     Tiến tới xây dựng hệ thống các văn bản, các quy chế - quy định - nội quy… của cơ quan với yêu cầu: Các quy định phải hợp chuẩn theo quy định tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường THCS, phù hợp với các văn bản pháp luật; Quy định rõ ràng chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận và từng cá nhân, tổ chức các phong trào thi đua, xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở…Đặc biệt phải xây dựng ngay quy chế xử lý các trường hợp chuyên môn - tay nghề nhiều năm yếu kém, không tiến bộ hoặc xử lý các trường hợp vi phạm quy chế chuyên môn, vi phạm giờ giấc, vi phạm quy định của nhà trường, của ngành (với các hình thức như kiểm điểm, đưa ra hội đồng kỷ luật…chuyển công tác khác, buộc thôi việc, hủy hợp đồng lao động…) theo đúng quy định của nhà trường và pháp luật. Xây dựng hệ thống các quy trình làm việc nhằm tránh tình trạng thiếu sót khi thực hiện. Tổ chức cho tổ văn phòng xây dựng kế hoạch tác nghiệp cho toàn năm. Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm của nhà trường như: Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy định sử dụng tài sản công, quy định sử dụng email và Internet, quy định xếp loại công chức,chuẩn GV,chuẩn HT,Phó HT.…

c) Kiện toàn cơ cấu tổ chức trong nhà trường:

- Thành lập các bộ phận thư viện - thiết bị; bộ phận Tài vụ; Bộ phận chuyên môn; bộ phận kiểm định chất lượng; bộ phận CNTT; bộ phận xây dựng trường Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn; ban tư vấn tâm lý, sức khỏe; ban phòng cháy chữa cháy…

- Thành lập các ban và các hội đồng tư vấn như: Hội đồng thi đua khen thưởng, Hội đồng kỷ luật và một số các ban khác.

Tất cả các ban, các hội đồng đều phải có quyết định thành lập, kế hoạch hoạt động, có báo cáo sơ kết, tổng kết…

4.7. Tăng cường chỉ đạo công tác văn thư- lưu trữ, tài chính, tài sản:

a) Văn thư lưu trữ: Công tác văn thư lưu trữ được coi hết sức quan trọng, đây là “bảo tàng” của cơ quan, là kho lưu trữ cho những thế hệ sau nghiên cứu, vì vậy công tác văn thư lưu trữ và người phụ trách văn thư lưu trữ phải đảm bảo các yêu cầu sau: 

- Người phụ trách văn thư lưu trữ: Ngoài các quy định về phẩm chất chính trị, lối sống còn đòi hỏi: Tính kiên trì, cẩn thận, khoa học, nhanh nhẹn, hoạt bát, thạo về tin học.

- Phụ trách văn thư lưu trữ phải có tầm hiểu biết rộng, nắm được toàn bộ các hoạt động của nhà trường, nắm rõ pháp luật, quy định, quy chế, quy trình của mỗi đầu công việc nhằm tham mưu sớm, kịp thời cho Hiệu trưởng. 

b) Với công tác văn thư lưu trữ:

- Ban hành văn bản đúng thể thức, đúng quy trình. Mọi văn bản đều lưu trữ cẩn thận, dễ tìm, dễ kiểm tra, dễ tra cứu.

- Lưu trữ hồ sơ đầy đủ (hồ sơ chuyên đề, hồ sơ học sinh, hồ sơ CB-CC). Đảm bảo bí mật trong cơ quan nhà nước và theo quy định của Pháp luật, đảm bảo thông tin hai chiều thông suốt, nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Thông tin luôn được cập nhật thường xuyên. Xây dựng hệ thống lưu trữ khoa học.

- Áp dụng phương pháp lưu trữ bằng các liên kết ngay trong máy tính, hoàn chỉnh các loại hồ sơ lưu trữ.

- Xây dựng thư viện văn bản pháp quy sử dụng trong nhà trường và thư viện văn bản của nhà trường theo từng năm.

c) Tài chính: Công khai tài chính theo quy định của pháp luật, công khai trong mua sắm, minh bạch trong các hoạt động mua sắm, xây dựng, thanh lý, kiểm kê, chi trả chế độ…

d) Tài sản:

- Đảm bảo không để xảy ra tình trạng mất mát, hư hỏng, sắp xếp khoa học, dễ lấy, dễ sử dụng và bảo quản. Phòng chống có hiệu quả cháy nổ và bảo đảm an toàn, an ninh trật tự.

- Thanh lý tài sản phải công khai, minh bạch, đúng quy trình. Những tài sản còn sử dụng được (dù đã hết khấu hao) vẫn được đưa vào sử dụng.

4.8. Chỉ đạo sát sao chặt chẽ trong công tác phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm:

- Chỉ đạo chặt chẽ trong công tác phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm: Hoàn thiện các văn bản, các kế hoạch, các quy định về công tác này với phương châm: giáo dục là chủ yếu, ngăn ngừa là quan trọng nhưng cũng không loại trừ các biện pháp xử lý quyết liệt, nghiêm khắc nhằm xây dựng nhà trường thành một cộng đồng trong sạch;

- Ngăn ngừa có hiệu quả các hiện tượng nhũng nhiễu, hạch sách nhân dân và cấp dưới.
- Triệt để tiết kiệm trong chi tiêu, trong sử dụng tài sản, trong việc sử dụng điện, máy móc và các thiết bị khác. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên như nước, tài nguyên công nghệ thông tin, tài nguyên tri thức, chất xám, tài nguyên con người…

Người phụ trách:

- Lãnh đạo chung: Hiệu trưởng.

- Người thực hiện: Phó Hiệu trưởng, các tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, Bộ phận văn thư, Tổng phụ trách, các ban, các hội đồng, các bộ phận, các đoàn thể.

5. Xây dựng trường học thân thiện - an toàn:

- Quy hoạch các khu vực để bồn hoa, cây cảnh, đảm bảo có tính thẩm mỹ; đầu tư hệ thống tưới cây.

- Thường xuyên tổ chức cho học sinh lao động vệ sinh trường lớp.

- Đảm bảo mọi đồ dùng, thiết bị đều gọn gàng, có tính thẩm mỹ, sạch sẽ, ngăn nắp.
- Mọi chỗ, mọi nơi đều phải có khẩu hiệu giáo dục, xây dựng nội quy tất cả các phòng (kể cả nhà vệ sinh và nhà để xe…)

Người phụ trách:

- Lãnh đạo chung: Hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn.

- Người thực hiện: Phó Hiệu trưởng, các tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, bộ phận văn thư, Tổng phụ trách, các ban, các hội đồng, các bộ phận, các đoàn thể.  

6. Huy động mọi nguồn lực xã hội vào hoạt động giáo dục.

    Xác định ý nghĩa: Nguồn lực là một trong những yếu tố không thể thiếu để tổ chức các hoạt động. Đặc biệt là nguồn lực thông tin, có thể ví “Nhà trường là một cơ thể sống thì thông tin là máu và hệ thống thông tin hai chiều là hệ thần kinh của nó”.

- Xây dựng nhà trường văn hoá, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nhà trường. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

- Huy động được các nguồn lực của xã hội, cá nhân tham gia vào việc phát triển Nhà trường.

+ Nguồn lực tài chính: Từ ngân sách Nhà nước. Đảm bảo tính minh bạch trong quá trình sử dụng.

+ Nguồn lực vật chất: Tranh thủ hỗ trợ vật chất từ địa phương, tranh thủ kinh phí không tự chủ từ ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí hỗ trợ đồ dùng dạy học, trang thiết bị khác của Sở giáo dục - đào tạo, của Phòng giáo dục và đào tạo

+ Nguồn nhân lực: Tăng cường xây dựng bầu không khí đoàn kết, cởi mở, tạo mọi cơ hội cho CB-GV-CC phát huy hết khả năng của bản thân, đó cũng là một chính sách thu hút nhân lực ở nơi khác đến cống hiến cho sự nghiệp giáo dục 

+ Nguồn lực thông tin:

- Nắm bắt kịp thời các nguồn thông tin khác nhau, chọn lọc và xử lý kịp thời.

- Các báo cáo, văn bản và các dữ liệu lưu trữ khoa học được đăng tải kịp thời bằng các hình thức khác nhau như đưa lên mạng để chia sẻ thông tin, đưa lên trang web để lấy ý kiến của đông đảo nhân dân.

- Đảm bảo thông tin hai chiều được thông suốt, không bị ách tắc ở bất kỳ khâu nào. Phát huy tác dụng của các trang web đã tạo ra.

- Cẩn trọng trong phát ngôn, mọi thông tin về nhà trường phải thực hiện theo đúng thông tư số 09/2009/TT-BGD&ĐT ngày 07/5/ 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân. Chỉ có Lãnh đạo nhà trường mới được phổ biến các chủ trương, đường lối và kết quả của trường ra phương tiện thông tin đại chúng.

Người phụ trách:

- Lãnh đạo chung: Hiệu trưởng

- Người thực hiện: Phó Hiệu trưởng, các tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, Bộ phận văn thư, Tổng phụ trách, các ban, các hội đồng, các bộ phận, các đoàn thể, toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên

7. Xây dựng thương hiệu:

     Xác định ý nghĩa: Trong công cuộc hòa nhập với thế giới và xu thế toàn cầu hóa, giáo dục cũng là một dịch vụ, bởi vậy thương hiệu cũng là một trong những yếu tố quan trọng.

a) Xây dựng thương hiệu và sự tín nhiệm của xã hội đối với Nhà trường.

- Xác lập tín nhiệm thương hiệu của từng cán bộ, giáo viên, nhân viên đối với học sinh và cha mẹ học sinh. Sắp xếp lớp học theo khả năng và trình độ của học sinh để có thể giúp đỡ, rèn luyện học sinh, giúp học sinh phát huy hết khả năng của mình.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng truyền thống Nhà trường, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên đối với quá trình xây dựng thương hiệu của Nhà trường.  

b) Tổ chức tuyển chọn logo, biểu trưng của nhà trường …. Quảng bá logo và biểu tượng, thương hiệu, hình ảnh trên mạng Internet .

c) Đưa tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi, các mục tiêu chiến lược lên những nơi dễ nhìn, dễ thấy, dễ quảng bá…

Người phụ trách:

- Lãnh đạo chung: Hiệu trưởng.

- Người thực hiện: Phó Hiệu trưởng, các tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, Bộ phận văn thư, Tổng phụ trách, các ban, các hội đồng, các bộ phận, các đoàn thể, giáo viên Thể dục, Mỹ thuật, Âm nhạc…

PHẦN IV.

TỔ CHỨC THEO DÕI, KIỂM TRA,

ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC.

1. Phổ biến  “Chiến lược phát triển giáo dục Trường THCS Kim Đồng giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2025” được lấy ý kiến rộng rãi trong toàn trường, sau khi hoàn chỉnh, Hiệu trưởng ra quyết định ban hành; Tổ chức phổ biến rộng rãi tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh của trường. Xin ý kiến của cơ quan chủ quản, Đảng ủy, UBND, HĐND, UBMT Tổ Quốc Phường Sơn Phong, chi bộ, các đoàn thể trong nhà trường và các tổ chức cá nhân quan tâm đến nhà trường. Đồng thời được đăng tải trên trang Web của nhà trường.

2. Tổ chức thực hiện: Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chiến lược, ban chỉ đạo là bộ phận chịu trách nhiệm điều phối quá trình triển khai kế hoạch chiến lược. Điều chỉnh kế hoạch chiến lược sau từng giai đoạn sát với tình hình thực tế của nhà trường. Hàng năm Hiệu trưởng nhà trường xây dựng kế hoạch tác nghiệp phải căn cứ vào chiến lược, chỉ đạo các bộ phận, tham mưu với chi bộ chỉ đạo các đoàn thể thực hiện chiến lược. Tất cả các hoạt động trong trường, hoạt động của từng cá nhân đều nhắm đến việc thực hiện mục tiêu chiến lược.

3. Lộ trình thực hiện kế hoạch chiến lược:

3.1. Giai đoạn 1: Từ năm 2015 – 2016: Đây là giai đoạn tiền đề, vì vậy phải tập trung vào các công việc sau:

- Nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, thành lập ban chỉ đạo thực hiện chiến lược.

- Xây dựng tài liệu dạy về kỹ năng sống, tập huấn về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên

- Phấn đấu nâng dần chất lượng lên: Trên 70% học lực khá, giỏi (trên 45% học lực giỏi), tỷ lệ học sinh có học lực yếu dưới 3%. Thi học sinh giỏi TP dẫn đầu Bậc THCS, hạnh kiểm khá tốt đạt trên 97%.
3.2. Giai đoạn 2: Từ năm 2016 - 2018: Nâng chất lượng tăng thêm 3-5% so với giai đoạn 1, riêng học lực giỏi tăng thêm 3%, tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống đi vào nề nếp. Hoàn thành xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên, xây dựng quy tắc ứng xử có văn hóa, hoàn thành biểu trưng, logo, biểu tượng văn hóa, và triển khai thực hiện.

3.3. Giai đoạn 3: Từ năm 2018 – 2020 : Nâng chất lượng tăng thêm 5-7% so với giai đoạn 1, riêng học lực giỏi tăng thêm 3% so với giai đoạn 2, Kỹ năng sống của học sinh được hoàn thiện.

4. Đối với Hiệu trưởng: Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược tới từng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Thành lập Ban chỉ đạo, ban kiểm tra và đánh giá thực hiện kế hoạch trong từng năm học. Xây dựng kế hoạch năm học bám sát các yêu cầu của chiến lược.

5. Đối với Phó Hiệu trưởng: Theo nhiệm vụ được phân công, giúp Hiệu trưởng tổ chức triển khai từng phần việc cụ thể, đồng thời kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, đề xuất những giải pháp để thực hiện.

6. Đối với tổ trưởng chuyên môn, trưởng các bộ phận, đoàn thể: Tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch của từng bộ phận, từng tổ trên cơ sở chiến lược này; Kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch của các thành viên. Tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.

7. Đối với cá nhân cán bộ, giáo viên, nhân viên: Căn cứ kế hoạch chiến lược, kế hoạch năm học của nhà trường để xây dựng kế hoạch công tác cá nhân theo từng năm học. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch theo từng học kỳ, năm học. Đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.

8. Đối với Ban thường trực Ban đại diện cha mẹ học sinh (đề xuất của nhà trường): vừa là điểm thực hiện, vừa là đối tượng hỗ trợ nhà trường trong các hoạt động.

PHẦN V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Bản chiến lược là căn cứ pháp lý để tất cả các bộ phận các đoàn thể, tổ chuyên môn, các cá nhân xây dựng kế hoạch hàng năm; Đồng thời đây cũng là cơ sở để đánh giá xếp loại công chức, mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là cơ sở để cán bộ, giáo viên, nhân viên đối chiếu với toàn bộ các công việc của mình từ đó mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên rút ra những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.

2. Hàng năm, Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch năm học dựa trên chiến lược này, khi có sự điều chỉnh cần thông qua hội đồng trường, thông qua ban chỉ đạo thực hiện chiến lược và phổ biến công khai trong hội đồng sư phạm.

3. Mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên, các bộ phận, các đoàn thể, các tổ chuyên môn đều phải có bản tự đánh giá việc thực hiện chiến lược phát triển giáo dục, đề ra giải pháp cho những năm sau.

PHẦN VI. KẾT LUẬN

Trước sự cấp thiết phải đổi mới lãnh đạo và quản lý trường phổ thông trong bối cảnh toàn cầu hoá và xu thế hội nhập quốc tế. Trước tiên mỗi cán bộ, giáo viên, công nhân viên phải có nhận thức sâu sắc: cuộc cách mạng KHKT đang phát triển với những bước tiến nhảy vọt nhằm đưa thế giới chuyển từ kỷ nguyên công nghiệp sang kỷ nguyên thông tin đồng thời xác định rõ phát triển kinh tế tri thức là một trong những mấu chốt để phát triển kinh tế, xã hội, đưa đất nước Việt Nam ngày càng giầu mạnh. Vấn đề toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế vừa tạo ra quá trình hợp tác để phát triển và vừa là quá trình đấu tranh gay gắt giữa các nước đang phát triển để bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo tồn bản sắc văn hoá và truyền thống của các dân tộc. Những xu thế chung nêu trên đã tạo ra các yêu cầu mới và tạo ra sự biến đổi nhanh chóng, sâu sắc đến mọi lĩnh vực xã hội, trong đó có giáo dục. Từ các yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội dẫn đến những yêu cầu mới về mẫu hình nhân cách người lao động (người công dân toàn cầu) nên đòi hỏi chất lượng và hiệu quả giáo dục ngày càng cao.

Quản lý giáo dục và quản lý nhà trường đóng vai trò định hướng, là một trong những yếu tố mang tính đột phá, quyết định đến chất lượng và hiệu quả giáo dục. Vì vậy đổi mới lãnh đạo và quản lý giáo dục nói chung và nhà trường nói riêng  là một tất yếu khách quan và cũng là sự đòi hỏi sự cấp thiết của xã hội trong giai đoạn hiện nay.Đặc biệt hơn quê hương Hội An là mảnh đất vốn có truyền thống hiếu học vì vậy thầy và trò Trường THCS Kim Đồng quyết tâm đoàn kết, nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để xây dựng trường trở thành nơi đặt “niềm tin” của mọi thế hệ học sinh.

 

Nơi nhận:

- PGD; Đảng ủy, UBND, UBMTTQ Phường Sơn Phong;

- Chi bộ; các đoàn thể; 

- CB,GV,CNV;  

- Niêm yết, trang Web của trường;

- Lưu VP.

 

Sơn Phong, ngày 10 tháng 9 năm 2015

HIỆU TRƯỞNG

 

 

 

 

Huỳnh Ngọc Quốc

 

                                                                                       

                                                          

    Phê duyệt của Trưởng phòng GDĐT Hội An

Tin liên quan