Đăng nhập

Tên đăng nhập
Mật khẩu

Video

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 2
Hôm nay 1058
Tháng này 4329

Tăng cường các hoạt động vui chơi lành mạnh để HSSV xa rời game

Ngày 17/8, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo đánh giá một năm triển khai thực hiện phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với HSSV. Dự và chủ trì Hội thảo có ông Dương Văn Bá – Phó Vụ trưởng Vụ công tác HSSV (Bộ GD&ĐT), đại diện gần 50 Sở GD-ĐT, trên 70 trường ĐH, CĐ, TCCN, THPT, THCS, tiểu học và đông đảo các thầy cô giáo cả nước tham dự…

 

 

 

 Để HSSV “nói không” với game online cần sự vào cuộc của toàn xã hội (ảnh minh hoạ)
Để HSSV “nói không” với game online cần sự vào cuộc của toàn xã hội (ảnh minh hoạ)

Trò chơi trực tuyến được xem là ngành công nghiệp “không khói” hiện nay đã phát triển mạnh trên thế giới, xâm nhập vào nước ta khoảng trên một thập kỷ qua, nhưng thời kỳ “bùng nổ” và “phát tán” mạnh nhất là trong vài năm trở lại đây. Hàng loạt các loại game online có nội dung bạo lực và không lành mạnh ra đời và luôn được các “game thủ” tìm tòi, cập nhật. Đặc biệt, đối tượng các loại game hướng tới chính là giới trẻ, nhất là HSSV, bởi đây chính là những người thích phưu lưu, khám phá những điều mới lạ, thích tìm tòi những thứ trong thế giới ảo… Vì vậy, việc triển khai, thực hiện chương trình phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh trong HSSV là việc làm cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, để làm tốt, hạn chế và dần đẩy lùi được tác hại của trò chơi trực tuyến ra khỏi giới HSSV có lẽ trách một mình Ngành GD là không đủ, mà cần phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường và chính quyền… thì chương trình mới đạt kết quả.

Trước những bức xúc của dư luận về game online, ngày 7/4/2011, Bộ GD&ĐT đã có QĐ số 1387 ban hành “Chương trình hành động về phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với HSSV” giai đoạn 2011-2015. Chương trình đã được triển khai trong năm học 2011-2012 vừa qua. Mục tiêu của chương trình là: 100% cán bộ, GV và HSSV nhận thức được tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh. 100% HSSV đã ký cam kết với nhà trường và các tổ chức đoàn thể không tham gia trò chơi này; 100% phụ huynh HS ký cam kết với nhà trường quản lý không để HS chơi các trò chơi này ngoài giờ đến trường; 100% các trường không có các vi phạm trong nhà giáo, cán bộ quản lý và HSSV liên quan đến các nội dung bạo lực và không lành mạnh do tác động của trò chơi trực tuyến...

Tại Hội thảo nhiều ý kiến cho rằng, tác hại của game online tới giới trẻ là rất lớn và không thể phủ nhận. Tất nhiên, trò chơi trực tuyến cũng có những mặt lợi, nhưng rõ ràng đối với thanh thiếu niên Việt Nam, nó có  tác hại hơn nhiều. Nguyên nhân chính là vì giới trẻ không tự kiềm chế được khi sa đà vào các trò chơi trực tuyến, đặc biệt là các game có nội dung bạo lực, không lành mạnh. Đã có không ít phụ huynh “kêu trời” vì con mình nghiện game online, bỏ học, bỏ ăn, bỏ ngủ chỉ để chơi game, thậm chí đã có không ít trường hợp phải nhập viện do đột quỵ vì chơi game quá sức...

Để mục tiêu này được triển khai tốt hơn nữa trong những năm tiếp theo và lâu dài, tại Hội thảo đại diện của nhiều cơ sở GD, nhà trường đều đồng quan điểm, các nhà trường, cơ sở GD cần phải tăng cường hơn nữa các hoạt động Đoàn – Đội, tổ chức các CLB văn hoá, văn nghệ, TDTT, trò chơi dân gian… nhằm thu hút các em tham gia. Bởi chúng ta cấm cái này thì phải mở cái kia, phải tổ chức nhiều hoạt động vui chơi để HSSV tự nguyện xa rời game. Ngoài ra, nhà trường cần tăng cường GD kỹ năng sống cho HSSV. Bởi thực tế, hiện nay nhiều HS chưa biết từ chối cái xấu, thậm chí học theo cái xấu rất nhanh. Vì vậy, việc cần thiết trước mắt và lâu dài là các trường, các cơ sở GD cần phải tổ chức nhiều loại hình hoạt động, giải trí lành mạnh, bổ ích hơn nữa, nhằm thu hút các em tham gia để từ đó các em xa rời và “nói không” với game online…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Dương Văn Bá - Phó vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, nhấn mạnh: “Hiện nay tỷ lệ HSSV chơi game khá đông, khi được hỏi nhiều HSSV không ngần ngại trả lời một tuần chơi tới 4-6 lần, mỗi lần vài giờ đồng hồ. Nói về hậu quả của game thì ngay cả Chính phủ cũng phải khẳng định là HSSV đánh nhau một phần xuất phát từ sự ảnh hưởng của chơi game có nội dung bạo lực và không lành mạnh. Hiện ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội có không ít HSSV đang phải điều trị. Nhiều SV năm thứ nhất học giỏi, năm thứ hai bắt đầu chơi game, năm thứ ba thì bỏ học và phải vào bệnh viện nằm điều trị…”. Có thể nói, sau một năm triển khai thực hiện chương trình hành động phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với HSSV, có thể nói các cơ sở GD, các nhà trường đã triển khai rất chặt chẽ với chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh trong việc ký cam kết nhằm quản lý HSSV, hướng các em đến các trò chơi lành mạnh, tránh xa trò chơi tác hại và kiểm soát thời gian chơi của con em mình. Đặc biệt, nhiều cơ sở GD, nhà trường còn tuyên truyền, lồng ghép, GD tác hại của trò chơi trực tuyến vào môn GD công dân, GD pháp luật, các hoạt động GD ngoại khoá… để giúp HSSV nhận thức được giá trị sống, nâng cao kỹ năng sống, định hướng hành vi và nhận thức đúng tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh. Ngoài ra, nhiều cơ sở GD, trường học còn GD, vận động HSSV theo phương châm “3 không”: không chơi trò chơi bạo lực, không làm ngơ khi biết bạn nghiện trò chơi trực tuyến, không làm ngơ khi biết cơ sở kinh doanh trò chơi trực tuyến cách trường học dưới 200m..., ông Bá cho biết thêm.

Qua một năm triển khai thực hiện chương trình “Phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với HSSV”, nhiều nhà trường, cơ sở GD đã làm rất tốt trong việc hạn chế HSSV chơi game, nhưng vẫn còn không ít nhà trường, cơ sở GD chưa quan tâm đúng mức đến việc phổ biến, tuyên truyền, GD HSSV về tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh, hiện tượng HSSV chơi trò chơi trực tuyến vẫn còn phổ biến tập trung chính ở các đô thị, thị trấn trong cả nước, hiện tượng HSSV nghiện game online vẫn còn nhiều… Qua khảo sát thực tế ở 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ, tỷ lệ HS chơi game online trong ngày thường vẫn còn rất cao. Hà Nội, 76% - TP HCM là 70% ở bậc tiểu học; bậc THPT, TPHCM là 88%, trong đó Hà Nội 76,6%, ông Dương Văn Bá chỉ ra.

LHS ( đăng lại từ GD-TĐ)

 

Tin liên quan