Đăng nhập

Tên đăng nhập
Mật khẩu

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 2
Hôm nay 206
Tháng này 10822

Hướng dẫn thực hiện nề nếp chuyên môn trong trường trung học

Hướng dẫn thực hiện nề nếp chuyên môn trong trường trung học

UBND TỈNH QUẢNG NAM

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 3084/SGDĐT- GDTrH

Quảng Nam, ngày 14  tháng  11  năm 2011

V/v Hướng dẫn thực hiện nề nếp chuyên môn trong trường      trung học

 

 

 

Kính gởi: -Trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thành phố.

                -Hiệu trưởng các trường THPT, PTDT nội trú.

 

Căn cứ  Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học được ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3 /2011 của Bộ GD&ĐT (gọi tắt là Điều lệ trường trung học);

Căn cứ Qui chế đánh giá xếp loại học sinh THCS & THPT được ban hành theo QĐ số 40/2006/QĐ-BGD&ĐT và QĐ số 51/2008QĐ-2008/QĐ-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT;

Căn cứ Thông tư số 29/2009/TT-BGDĐT, ngày 22/10/2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy định Chuẩn hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trưồng phổ thông có nhiều cấp học;

Căn cứ Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT, ngày 22/10/2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông;

Căn cứ qui định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở được ban hành theo Thông tư số 12/2009/TT-BGD&ĐT ngày 12/5/2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT;

Căn cứ qui định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường trung học phổ thông được ban hành theo QĐ số 80/2008/QĐ-BGD&ĐT ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT;

Sở hướng dẫn thực hiện nề nếp chuyên môn trong nhà trường trung học như sau:

 

A.VỀ HỒ SƠ, SỔ SÁCH

I.Về hồ sơ, sổ sách của nhà trường

1.Các loại hồ sơ, sổ sách của nhà trường gồm có: sổ đăng bộ; sổ theo dõi học sinh chuyển đi, chuyển đến; sổ theo dõi phổ cập giáo dục; sổ gọi tên và ghi điểm; sổ ghi đầu bài; học bạ học sinh; sổ quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ; sổ nghị quyết của nhà trường và nghị quyết của Hội đồng trường; hồ sơ thi đua; hồ sơ kiểm tra (hồ sơ kiểm tra nội bộ trường học, hồ sơ kiểm tra toàn diện, hồ sơ quản lí cán bộ, giáo viên, nhân viên của Hiệu trưởng; hồ sơ thực hiện qui chế dân chủ trong trường học, hồ sơ quản lí dạy thêm và học thêm.), đánh giá hiệu trưởng, giáo viên và nhân viên; hồ sơ kỷ luật; sổ quản lý và hồ sơ lưu trữ các văn bản, công văn đi, đến; sổ quản lý tài sản, thiết bị giáo dục; sổ quản lý tài chính; hồ sơ quản lý thư viện; hồ sơ theo dõi sức khoẻ học sinh; hồ sơ giáo dục đối với học sinh khuyết tật (nếu có).

          Ngoài các loại hồ sơ, sổ sách theo qui định trong Điều lệ trường trung học, các trường cần lập các loại hồ sơ:

-Các hồ sơ, kế hoạch tổ chức thực hiện các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hồ sơ tổ chức phân ban (trường THPT), hồ sơ rèn luyện hạnh kiểm trong hè, hồ sơ kiểm tra lại về học lực, hồ sơ xét lên lớp.   

-Các loại hồ sơ thực hiện các chủ trương, các cuộc vận động của Đảng, Chính phủ, Bộ GD&ĐT phát động: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hồ sơ xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực..., hồ sơ thực hiện xã hội hóa giáo dục

-Hồ sơ đánh giá xếp loại Hiệu trưởng theo qui định Chuẩn hiệu trưởng, hồ sơ đánh giá xếp loại giáo viên theo qui định Chuẩn nghề nghiệp.

-Các trường xây dựng trường chuẩn quốc gia, cần bổ sung các hồ sơ, sổ sách theo qui định tại Thông tư 06/2010/QĐ-BGDĐT ngày 26  tháng 02 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

2.Phân công trách nhiệm thực hiện

-Hiệu trưởng:

+Kiểm tra đôn đốc cán bộ, giáo viên, công nhân viên của nhà trường sử dụng và bảo quản tốt các loại hồ sơ, sổ sách của nhà trường theo qui định của các loại hồ sơ, sổ sách, theo chức năng, nhiệm vụ cho từng thành viên của trường đúng qui định của Bộ GD&ĐT.

+Kịp thời xử lí các sai phạm trong việc sử dụng và bảo quản các loại hồ sơ, sổ sách của nhà trường.

+Kiểm tra theo định kì, kịp thời đánh giá nhận xét việc sử dụng, bảo quản các loại hồ sơ, sổ sách của nhà trường qua các buổi sinh hoạt hội đồng, sinh hoạt chủ nhiệm hằng tháng.

+Thực hiện các loại hồ sơ theo chức năng của Hiệu trưởng.      

-Nhân viên giáo vụ nhà trường:

Chịu trách nhiệm thực hiện giúp Ban giám hiệu quản lí và thực hiện sử dụng các loại sổ: sổ đăng bộ; sổ ghi đầu bài; sổ quản lí cấp phát văn bằng, chứng chỉ; sổ theo dõi phổ cập giáo dục; sổ theo dõi học sinh chuyển đi, chuyển đến; học bạ học sinh; sổ gọi tên ghi điểm theo qui định của Bộ GD&ĐT.

-Nhân viên văn thư nhà trường:          

Chịu trách nhiệm thực hiện giúp Ban giám hiệu quản lí và thực hiện sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách: hồ sơ, sổ phổ cập giáo dục; sổ nghị quyết của nhà trường và nghị quyết của hội đồng trường; hồ sơ thi đua của nhà trường; hồ sơ kiểm tra, đánh giá giáo viên và nhân viên; hồ sơ khen thưởng, kỷ luật học sinh; sổ quản lí và hồ sơ lưu trữ các văn bản, công văn; hồ sơ theo dõi sức khoẻ của học sinh (nếu trường không có nhân viên y tế).

-Nhân viên kế toán:

Ngoài các hồ sơ, chứng từ kế toán, nhân viên kế toán  chịu trách nhiệm giúp Ban giám hiệu quản lí và thực hiện sử dụng các loại sổ: sổ quản lí tài sản; sổ quản lí tài chính; hồ sơ quản lí thiết bị dạy học và thực hành thí nghiệm theo qui định của Bộ GD&ĐT.

-Nhân viên y tế: Quản lý phòng y tế và các trang thiết bị y tế, quản lý nguồn nước sạch, theo dõi và đề xuất các giải pháp bảo đảm vệ sinh, môi trường trường học, lập và quản lý hồ sơ khám và theo dõi sức khỏe của học sinh theo từng năm học, tham mưu lãnh đạo trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, lập danh sách các học sinh có những bệnh, tật tham mưu lãnh đạo trường ra các quyết định miễn, giảm thể dục, lao động cho học sinh và tư vấn cho cha mẹ học sinh trong phòng và bảo đảm sức khỏe cho học sinh.  

-Giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn:

Chịu trách nhiệm thực hiện hoàn chỉnh các nội dung, công việc ở các loại sổ: sổ gọi tên và ghi điểm; sổ đầu bài, học bạ học sinh, hồ sơ kiểm tra và xét lên lớp (nếu được phân công) theo qui định của Bộ GD&ĐT.

-Lớp trưởng:

Có trách nhiệm nhận, bàn giao và ghi đầy đủ các nội dung sổ đầu bài theo qui định cho từng buổi học, trình giáo viên bộ môn phê duyệt giờ học.

-GV phụ trách các phòng thí nghiệm thiết bị:

Chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các loại hồ sơ, sổ theo qui định: sổ quản lí thiết bị; giao và nhận thiết bị; sổ theo dõi các tiết thí nghiệm thực hành. Hằng tháng, tổ trưởng chuyên môn, Phó HT phụ trách chuyên môn kiểm tra, nhận xét việc thực hiện và bảo quản các loại hồ sơ, sổ sách phòng bộ môn. 

-Các ban, đoàn thể của nhà trường chịu trách nhiệm thực hiện các hồ sơ theo qui định.

3.Việc thực hiện các loại hồ sơ, sổ sách nhà trường: Hiệu trưởng chỉ đạo các thành viên nhà trường:

-Thực hiện đúng, đầy đủ các mục trong từng loại sổ đã được hướng dẫn, theo qui định của Bộ GD&ĐT, không vì các mục đích khác của trường dẫn đến thực hiện sai qui định của Bộ GD&ĐT.

-Việc nhận xét, đánh giá giờ học vào sổ đầu bài, kết quả học sinh trong học bạ phải logic, phản ánh trung thực nhận xét qua đánh giá.

-Chú trọng việc bảo quản, lưu trữ các loại hồ sơ, sổ sách theo hệ thống, bảo đảm tính pháp lí các loại hồ sơ.

II.Về hồ sơ, sổ sách của tổ chuyên môn

1.Các loại hồ sơ, sổ sách của tổ chuyên  môn gồm có sổ kế hoạch (kế hoạch năm học; kế hoạch học kỳ, kế hoạch tháng; kế hoạch tuần); phân phối chương trình các môn học, sổ biên bản họp tổ, nhóm chuyên môn; hồ sơ lưu trữ các sáng kiến kinh nghiệm, các chuyên đề theo năm học, biên bản hội thảo khao học của tổ về nhận xét đánh giá chuyên đề, nội dung dạy học tự chọn, nội dung bồi dưỡng học sinh giỏi (nếu có); hồ sơ thi đua, thanh tra kiểm tra nội bộ (thanh tra giáo viên, kiểm tra hồ sơ chuyên môn, kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình), hồ sơ phân công giảng dạy (dạy chính thức, dạy thay do ốm đau hoặc công tác), hồ sơ quản lý giáo viên (danh sách và lý lịch trích ngang của giáo viên trong tổ), hồ sơ đánh giá xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, hồ sơ lưu các loại đề kiểm tra định kỳ (có ma trận đề và hướng dẫn chấm, đề kiểm tra lên lớp do nhà trường lưu); hồ sơ quản lý tài sản và trang thiết bị dạy học bộ môn, sổ lưu công văn đi và đến của tổ.

Các trường xây dựng trường chuẩn quốc gia, các tổ bộ môn cần bổ sung các hồ sơ, sổ sách theo qui định tại Thông tư 06/2010/QĐ-BGDĐT ngày 26  tháng 02 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

2.Phân công trách nhiệm thực hiện:

-Tổ trưởng chuyên môn có trách nhiệm lập và thực hiện đầy đủ các loại hồ sơ, sổ sách của tổ bộ môn.

-Nhóm trưởng bộ môn có trách nhiệm lập và thực hiện đầy đủ các loại hồ sơ, sổ sách của nhóm bộ môn do tổ trưởng phân công.

-Giáo viên có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các hồ sơ theo yêu cầu của tổ trưởng chuyên môn như đề kiểm tra định kỳ, hồ sơ minh chứng đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, sáng kiến kinh nghiệm, các quyết định triệu tập điều động công tác của phòng GD&ĐT, của Sở, kế hoạch dạy học thực hành ở phòng bộ môn...

-Giáo viên kiêm nhiệm hoặc nhân viên thiết bị chịu trách nhiệm quản lý tài sản, trang thiết bị phòng bộ môn, các thiết bị, đồ dùng dạy học; lập sổ giao nhận thiết bị dạt học, lên kế hoạch dạy thực hành trên cơ sở kế hoạch dạy học thực hành  của mỗi giáo viên.

3.Việc thực hiện các loại hồ sơ, sổ sách tổ, nhóm bộ môn:

- Kế hoạch được lập phải chi tiết, thể hiện các hoạt động, người thực hiện, thời gian dự kiến hoàn thành mỗi hoạt động của tổ bộ môn. Các kế hoạch của tổ và phân phối chương trình môn học do tổ quản lý và có sự phê duyệt của Hiệu trưởng.

-Nội dung các cuộc họp ghi vào sổ biên bản phản ảnh đầy đủ, trung thực, tránh trường hợp chỉ liệt kê các nội dung họp. Các buổi sinh hoạt cụm chuyện môn, các tổ cần mang theo biên bản để ghi chép toàn bộ các nội dung của buổi sinh hoạt cụm và được tính là 1 buổi

-Các chuyên đề, sáng kiến kinh nghiệm, chuyên đề dạy học tự chọn, đề cương nội dung bồi dưỡng học sinh giỏi cần đảm bảo tính pháp lý, được tổ chuyên môn tổ chức hội thảo đánh giá, hoàn chỉnh và trình Hiệu trưởng phê duyệt trước khi áp dụng dạy học đại trà.

III.Về hồ sơ, sổ sách của giáo viên bộ môn

1.Các loại hồ sơ, sổ sách của giáo viên bộ môn gồm có giáo án (bài soạn); sổ ghi kế hoạch giảng dạy, sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, sổ dự giờ, thăm lớp; sổ điểm cá nhân; phiếu báo dạy thực hành ở phòng bộ môn.

Ngoài ra, mỗi giáo viên cần lưu trử hồ sơ, sổ sách để minh chứng cho các tiêu chí thuộc các tiêu chuẩn đánh giá xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp theo qui định. 

2.Phân công trách nhiệm thực hiện:

-Giáo viên bộ môn lập đủ và thực hiện đúng các qui định về các hồ sơ sổ sách của mình.

-Tổ trưởng, Hiệu trưởng kiểm tra, đánh giá theo định kì, theo kế hoạch kiểm tra đối với giáo viên về sử dụng và bảo quản các loại sổ.

3.Việc thực hiện các loại sổ

-Bài soạn được thiết kế theo qui định, tăng cường đầu tư soạn giảng phần phương pháp của thầy và trò, hằng năm có bổ sung điều chỉnh về nội dung và phương pháp. Bài soạn được đóng thành tập ghi rõ thời gian biên soạn. Giáo viên có đầy đủ bài soạn của các chương trình được phân công giảng dạy kể cả bài soạn dạy học các chủ đề tự chọn (nếu có).

-Các tiết dự giờ bảo đảm tính pháp lí, có đủ chữ kí của người dạy và người dự, thời gian, lớp dự...

-Sổ kế hoạch giảng dạy theo tuần thể hiện rõ các hoạt động giáo dục theo từng tuần của mỗi giáo viên, thể hiện tính pháp lí về chương trình dạy học trong tuần.

-Mỗi giáo viên phải cập nhật hoá điểm vào sổ điểm cá nhân, sổ gọi tên và ghi điểm theo qui định về thời gian, ghi điểm và sửa điểm theo đúng qui định.

IV.Về hồ sơ, sổ sách của giáo viên chủ nhiệm

1.Các loại hồ sơ, sổ sách của giáo viên chủ nhiệm gồm có sổ chủ nhiệm lớp, các hồ sơ liên quan đến công tác chủ nhiệm lớp như xây dựng lớp học thân thiện, phòng chống tệ nạn xã hội và ma tuý, an toàn giao thông, biên bản họp với ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp...

2.Phân công trách nhiệm thực hiện:

-Giáo viên chủ nhiệm lớp thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung trong số chủ nhiệm theo qui định.

-Khối trưởng chủ nhiệm (nếu có), Hiệu trưởng kiểm tra, đánh giá theo định kì, theo kế hoạch kiểm tra đối với giáo viên chủ nhiệm về sử dụng và bảo quản sổ chủ nhiệm và các hồ sơ liên quan đến công tác chủ nhiệm.

B.THỰC HIỆN CÁC QUI ĐỊNH VỀ NỀ NẾP CHUYÊN MÔN

I.Sinh hoạt tổ chuyên môn

-Mỗi tháng, tổ chuyên môn sinh hoạt 2 lần. 

-Nội dung sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng bàn các chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, các nội dung mới và khó của chương trình, xác định kiến thức chuẩn cho từng bài, chương theo khung chương trình được ban hành theo QĐ 16/2005/QĐ-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT, thực hiện các nội dung giảm tải, xây dựng ngân hàng đề, phụ đạo học sinh yếu kém, nội dung dạy học tự chọn, rút kinh nghiệm các giờ thao giảng, bàn nội dung ôn tập, kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì. Đối với các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí bàn bạc thống nhất nội dung dạy học phần địa phương.

-Các chuyên đề dạy học tự chọn cần được tổ thẩm định và Hiệu trưởng phê duyệt trước khi tổ chức dạy học, và thực hiện thống nhất trong toàn tổ.

-Đối với các tổ chuyên môn ghép của nhiều môn: Dành nhiều thời gian để các nhóm bộ môn tổ chức sinh hoạt.

-Về dự giờ: Thực hiện theo các qui định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở, trung học phổ thông được ban hành theo Thông tư số 12/2009/TT-BGD&ĐT ngày 12/5/2009 và QĐ số 80/2008/QĐ-BGD&ĐT ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Mỗi năm học, mỗi chức danh thực hiện như sau:

+Lãnh đạo nhà trường (Hiệu trưởng, P.Hiệu trưởng) đảm bảo dự ít nhất 01 tiết dạy/1 gv.

+Tổ trưởng., tổ phó đảm bảo dự giờ giáo viên trong tổ chuyên môn ít nhất 04 tiết dạy/ 1 giáo viên.

+Mỗi giáo viên thực hiện ít nhất 2 bài giảng có ứng dụng công nghệ thông tin, 04 tiết dạy của hội giảng hoặc thao giảng do nhà trường tổ chức và 18 tiết dự giờ đồng nghiệp trong hoặc ngoài nhà trường.  

-Về kiểm tra thực hiện khung phân phối chương trình, tiến độ thực hiện chương trình được tiến hành 2 tháng 1 lần với cấp tổ, 1 lần / học kì với cấp trường. Kết quả kiểm tra được lưu trữ vào hồ sơ tổ.

II.Đánh giá kết quả học tập của học sinh:

-Các trường thực hiện đúng theo qui chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông được ban hành theo QĐ số 40/2006/QĐ-BGD&ĐT và QĐ số 51/2008/QĐ-BGD&ĐT của BGD&ĐT.

-Việc ghi kết quả học tập của học sinh vào sổ gọi tên ghi điểm, học bạ thực hiện đúng theo qui định. Giáo viên không được dùng mực đỏ để ghi điểm, bút đỏ chỉ được dùng để sửa điểm, không được dùng bút xoá hoặc giấy dán vào các con điểm, cột điểm cần điều chỉnh, sửa điểm.

-Giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của mình được qui định tại các Điều 18, 19, 20 của Qui chế đánh giá xếp loại học sinh   

          III.Tổ chức kiểm tra, xét lên lớp

1.Qui trình tổ chức kiểm tra, xét lên lớp

 

Nội dung công việc

Người thực hiện

-Lập danh sách những học sinh học lực yếu hoặc hạnh kiểm yếu theo báo cáo của các giáo viên chủ nhiệm, danh sách có sự phê duyệt của Hiệu trưởng.

GV chủ nhiệm

-Lập kế hoạch và tổ chức phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, rèn luyện trong hè cho học sinh có hạnh kiểm yếu.

Hiệu trưởng

-Hướng dẫn và cho học sinh đăng kí môn kiểm tra

GV chủ nhiệm

-Lập kế hoạch tổ chức kiểm tra và xét lên lớp

Hiệu trưởng

-Ra quyết định thành lập Ban ra đề, coi và chấm kiểm tra

Hiệu trưởng

-Tổ chức kiểm tra.

Ban coi và chấm kiểm tra

-Ra quyết định thành lập Hội đồng xét lên lớp và tổ chức họp xét lên lớp

Hiệu trưởng

-Ra quyết định công bố các học sinh được lên lớp sau khi kiểm tra hoặc rèn luyện trong hè.

Hiệu trưởng

-Ghi kết quả kiểm tra, xét lên lớp vào sổ gọi tên và ghi điểm, học bạ của học sinh.

GV chủ nhiệm

Thời gian thực hiện kiểm tra và chấm bài kiểm tra lên lớp theo qui định: Tổ chức kiểm tra xong phải tiến hành ngay việc chấm bài và trong thời gian 10 ngày tính từ ngày tổ chức kiểm tra, phải công bố kết quả kiểm tra, lên lớp cho học sinh biết.

2. Lưu trữ các loại hồ sơ kiểm tra, xét lên lớp

-Đề, hướng dẫn chấm và bài kiểm tra lên lớp được lưu trữ trong thời hạn 1 cấp học.

-Các quyết định (ra đề, coi, chấm, xét lên lớp, công bố học sinh lên lớp...), bảng ghi tên ghi điểm kiểm tra, các kế hoạch được lưu trữ cùng sổ gọi tên và ghi điểm.

 

Hướng dẫn này thay cho hướng dẫn thực hiện nề nếp chuyên môn trong nhà trường trung học được ban hành theo Công văn số 88/SGD&ĐT, ngày 16/01/2009 của Sở GD&ĐT. Sở yêu cầu các Ông (bà) Trưởng phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng các trường THPT, PTDT nội trú  triển khai thực hiện./.

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- Lưu: VT, GDTrH.

TL. GIÁM ĐỐC

TRƯỞNG PHÒNG GD TRUNG HỌC

(đã ký và đóng dấu)

 

TRẦN NGỌC DIỆP

 

Tin liên quan