Tham dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển; GS.VS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Chủ tịch Hội đồng bộ môn Lịch sử (Bộ GD&ĐT); TS. Nguyễn Anh Dũng, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày (ngày 18-19/8) với sự tham gia của hơn 430 nhà khoa học, nhà sử học, cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên phổ thông của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của các nhà sử học, nhà nghiên cứu và đội ngũ CBQL, GV các trường học. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có giáo dục lịch sử. Bộ GD&ĐT đã tổ chức biên soạn chương trình và sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12; theo đó, đã chỉ đạo triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2002-2003 đến nay. Thực tiễn phát triển giáo dục trong 10 năm qua cho thấy, việc giáo dục lịch sử đã có những phát triển nhất định. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiệu quả giáo dục lịch sử còn có nhiều bất cập, hạn chế, làm cho xã hội lo lắng.
Trước thời cơ và thách thức của một cuộc đổi mới dạy học Lịch sử ở trường phổ thông trong thời gian đến, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đề nghị Hội thảo tập trung phân tích, thảo luận vào hai vấn đề: Đánh giá đúng thực trạng việc dạy và học Lịch sử trong nhà trường phổ thông hiện nay, nguyên nhân của những mặt đạt được và những mặt còn hạn chế. Định hướng đổi mới dạy học Lịch sử ở trường phổ thông.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “ Về định hướng đổi mới dạy học Lịch sử cần tập trung phân tích một số vấn đề như: Dạy học lịch sử đóng vai trò như thế nào trong việc thực hiện mục tiêu giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp ở nhà trường phổ thông. Sự cần thiết của việc thay đổi từ chương trình tập trung vào nội dung hiện nay sang chương trình hướng đến hình thành và phát triển năng lực của học sinh. Đề xuất việc chọn lựa và cấu trúc nội dung để thiết kế chương trình, SGK theo định hướng cơ bản, hiện đại và Việt Nam. Đề xuất các biện pháp đẩy mạnh đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; nội dung và hình thức đánh giá nhằm đảm bảo đổi mới đồng bộ giữa các yếu tố của quá trình dạy học. Đề xuất các điều kiện nhằm đảm bảo cho việc thực hiện chương trình mới, đặc biệt là yếu tố giáo viên.
Các đại biểu dự Hội thảo |
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, GS. NGND Phan Huy Lê cho biết: Ngày nay, nhiệm vụ xây dựng đất nước vẫn gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ đất nước, giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Thế hệ trẻ lớn lên qua nền giáo dục phổ thông mà không yêu mến lịch sử dân tộc, không có một vốn hiểu biết cần thiết về lịch sử, văn hóa dân tộc và nhân loại, không có một niềm tin dân tộc, không kế thừa các giá trị truyền thống dân tộc, thì làm sao có thể hoàn chỉnh được phẩm chất của người công dân Việt Nam. Từ đặc điểm đó, môn Lịch sử càng phải đặt đúng vị thế và chức năng của nó trong hệ thống giáo dục phổ thông.
Theo đó, có hơn 97 tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà sử học, giảng viên các trường ĐH-CĐ, cán bộ QLGD, nhà giáo và giáo viên phổ thông. Trong đó, có 46 bài tham luận bàn về chương trình và SGK, 29 tham luận bàn về đổi mới phương pháp dạy học, 19 bài bàn về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên môn Lịch sử. Với những nội dung tập trung phân tích các nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ nhận thức về vị trí, chức năng của giáo dục lịch sử đến chương trình SGK; nội dung và phương pháp dạy học; hình thức và nội dung đánh giá kế quả học tập của học sinh; điều kiện giảng dạy và học tập; đội ngũ giáo viên và trách nhiệm đào tạo của hệ thống các trường CĐ-ĐH sư phạm. Đồng thời, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về dạy học lịch sử; các ý kiến tham luận đã đề ra định hướng đổi mới dạy học lịch sử trông đổi mới tổng thể chương trình giáo dục ở nhà trường phổ thông sau năm 2015.
GS. NGND Phan Huy Lê nêu ý kiến, từ Hội thảo này đến đề án Đổi mới căn bản toàn diện môn Lịch sử, con đường tới đích phải qua nhiều chặng đường. Đó là việc tập hợp và nghiên cứu các ý kiến của Hội Thảo, nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm trên thế giới, tổ chức tiếp hội thảo mang tính chuyên gia hẹp để xử lý từng vấn đề đặt ra, rồi từng bước xây dựng đề án, trao đổi và hoàn chỉnh đề án trình lên Bộ GD&ĐT. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các nhà sử học sẵn sàng cộng tác, nhưng vai trò quản lý nhà nước và trách nhiệm cuối cùng luôn thuộc về Bộ GD&ĐT.
Đại Khải