Tại hội thảo, ý kiến của các giáo viên tham gia đều cho rằng: qua thực tế thử nghiệm phương pháp dạy học "bàn tay nặn bột" (BTNB), đây là một phương pháp dạy học tích cực, giúp hình thành thế giới quan khoa học và niềm say mê sáng tạo cho học sinh.
Tiết dạy thử nghiệm môn sinh học theo phương pháp BTNB tại trường THCS Trần Phú. Ảnh, gdtd.vn |
Ở phương pháp này, HS được tham gia các thí nghiệm, rồi tự đưa ra đánh giá, thảo luận so sánh kết quả với các bạn trong nhóm để đi đến kết quả. Hầu hết HS đều cảm thấy hứng thú, chủ động trong suốt quá trình thời gian của tiết học, nắm vững kiến thức, hiểu bài sâu hơn.
Để vận dụng phương pháp này vào giảng dạy, y kiến của giáo viên các trường THCS tại đây đều nhận định: đội ngũ giáo viên các trường THCS hiện nay đều chuẩn về trình độ và vững vàng về chuyên môn, sẵn sàng cho ứng dụng phương pháp BTNB vào giảng dạy.
Tuy nhiên, giáo viên vẫn còn một số băn khoăn, như: nếu áp dụng phương pháp BTNB vào giảng dạy thì cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chỉ có thể đáp ứng được một phần trong tổng sĩ số các trường hiện có, lớp học thực tế đông hơn lớp học thử nghiệm rất nhiều; một bộ phận giáo viên còn thiếu kĩ năng về phương pháp mới.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: hiện nay, giáo viên các trường học trên địa bàn có thế mạnh và thuận lợi là tuổi đời trẻ, năng động, sáng tạo trong giảng dạy, có nhiều kĩ năng dạy học tích cực và ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như sử dụng tốt trang thiết bị dạy học vào các tiết học. Tất cả những thế mạnh, kĩ năng đó đều rất cần thiết cho áp dụng phương pháp BTNB vào giảng dạy.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: để ứng dụng BTNB vào dạy học, "cứ đi rồi sẽ thành đường". Ảnh, gdtd.vn |
Thứ trưởng cho biết, trên thực tế, phương pháp BTNB thực ra không hoàn toàn là mới đối với các giáo viên. Về cơ bản, đây là phương pháp tổng hợp của các phương pháp dạy học trước đây mà giáo viên đã từng tiếp xúc như: phương pháp giảng dạy giải quyết vấn đề, phương pháp dạy học tích cực...
Trong phương pháp BTNB, yêu cầu đặt ra đối với giáo viên là tạo tình huống để học sinh phát hiện ra vấn đề trong bài học, từ đó để các em tự đưa ra các tình huống giải quyết vấn đề để đi đến kết quả.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận định, phương pháp BTNB là phương pháp giúp tạo lập cho học sinh thói quen làm việc như các nhà khoa học và niềm say mê sáng tạo phát hiện, giải quyết vấn đề. Mục tiêu này rất quan trọng bởi trong cuộc sống các em gặp phải rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Do vậy giáo viên phải là người hướng dẫn cho học sinh kĩ năng tự mình phát hiện và giải quyết vấn đề ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường.
Về các khó khăn mà các giáo viên nêu, Thứ trưởng cho rằng, đây là những khó khăn trước mắt, hoàn toàn có thể khắc phục trong quá trình ứng dụng phương pháp BTNB vào giảng dạy.
Theo đánh giá, trong tiết học dạy bằng phương pháp BTNB, học sinh say mê nghiên cứu, thảo luận theo nhóm và rất hứng thú với phương pháp này. Ảnh, gdtd.vn |
Lấy ví dụ như khó khăn về vấn đề thiếu thiết bị trực quan để học sinh thực hành trong giờ học BTNB, Thứ trưởng cho rằng, với phương pháp này giáo viên có thể linh hoạt ứng dụng những đồ dùng đơn giản nhất hiện có vào bài giảng; bên cạnh đó, hoàn toàn có thể tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học từ những vật liệu sẵn có để phục vụ bài giảng...
Khi các giáo viên và học sinh đã giảng dạy và học tập quen với phương pháp BTNB rồi thì các khó khăn khác đều sẽ được giải quyết. Thời gian trên lớp, giáo viên tập trung vào hướng dẫn học sinh phát hiện vấn đề, thảo luận nhóm; phần giải quyết vấn đề, có thể giao cho học sinh tự hoàn thành trong thời gian ở nhà...
Thứ trưởng khẳng định: "cứ đi rồi sẽ thành đường"; để ứng dụng BTNB vào dạy học, điều quan trọng nhất, như mọi vấn đề khác mà giáo viên thường phải giải quyết, đó là có đủ nhiệt huyết, quyết tâm để triển khai phương pháp mới hay không? Sau đó, cùng với giáo viên khác và đồng nghiệp trong tổ chuyên môn, nhà trường sẽ từng bước rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai giảng dạy.
Bá Hải
Hùng Sĩ tổng hợp từ Báo GD-TĐ